Để giúp các cơ quan, địa phương của Hà Nội biết được mức độ chuyển đổi số của đơn vị mình, từ đó có những biện pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại địa bàn nói riêng và toàn thành phố nói chung, ngày 19/2, UBND thành phố đã ban hành Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội.
Đánh giá chuyển đổi số của Hà Nội gồm 2 bộ chỉ số cấp thành phố và cấp huyện, sẽ được sử dụng để đánh giá cho 22 sở, ban, ngành và 30 UBND quận, huyện, thị xã.
Cả 2 bộ chỉ số đều có 9 chỉ số chính, được phân thành 2 nhóm gồm 5 chỉ số nền tảng chung là nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng; 4 chỉ số hoạt động về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và mức độ hoàn thành kế hoạch chuyển đổi số của năm. Tuy nhiên, bộ chỉ số cấp thành phố có 46 chỉ số thành phần; còn bộ chỉ số cấp huyện gồm 60 chỉ số thành phần.
UBND thành phố Hà Nội cũng hướng dẫn rõ, 22 sở, ban, ngành sẽ đánh giá theo bộ chỉ số cấp thành phố; trong đó riêng 9 sở có nhiệm vụ về phát triển kinh tế số còn được yêu cầu đánh giá thêm chỉ số về hoạt động kinh tế số tại bộ chỉ số cấp huyện. UBND của 30 quận, huyện, thị xã sẽ đánh giá theo bộ chỉ số cấp huyện.
Theo Sở TT&TT Hà Nội, với việc lần đầu tiên ban hành bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước trên địa bàn, kể từ năm 2024, định kỳ hằng năm thành phố sẽ tổ chức đánh giá và công bố công khai kết quả chuyển đổi số của các sở, ban, ngành cùng UBND các quận, huyện, thị xã.
“Trong các năm trước, Hà Nội chỉ đánh giá về cải cách hành chính của các đơn vị. Năm nay là năm đầu tiên thành phố xác định mức độ chuyển đổi số của từng cơ quan, địa phương”, đại diện Sở TT&TT chia sẻ.
Hà Nội đã xác định chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh là nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực, tài nguyên để thực hiện một cách hiệu quả, góp phần đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, xây dựng môi trường đô thị thông minh và hỗ trợ đổi mới sáng tạo.
Hà Nội đặt trọng tâm vào việc quản trị dựa trên dữ liệu số
Năm 2024, chủ đề chung của hoạt động chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh là ‘Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp CNTT, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số, trong đó trọng tâm là ‘Quản trị dựa trên dữ liệu số’.
Cũng trong tháng 2/2024, UBND thành phố đã lên kế hoạch chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh trong năm nay. Theo đó, các mục tiêu thành phố hướng tới đạt được trong năm nay là hoàn thiện một số cơ chế, chính sách về khai thác, chia sẻ dữ liệu, hạ tầng lưu trữ dùng chung của thành phố.
Thành phố cũng sẽ hoàn thành việc triển khai hạ tầng số trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn; cung cấp dữ liệu mở của chính quyền thành phố theo lộ trình nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; đồng thời cải thiện chỉ số xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh của Hà Nội.
Hàng loạt chỉ tiêu cụ thể về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh năm 2024 cũng đã được UBND thành phố đề ra như: 50% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền; 100% cơ quan nhà nước tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Cũng trong năm nay, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của thành phố đạt khoảng 20%; năng suất lao động tăng từ 7 – 7,5%; trên 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; tỷ lệ dân số trưởng thành có smartphone, tài khoản định danh điện tử, chữ ký số cá nhân lần lượt là 80%, 50% và 10%; trên 20% dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử; 40% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử...
Để hiện thực hóa các mục tiêu, hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra, UBND thành phố Hà Nội đã xác định rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp sẽ được tập trung triển khai, bao gồm 14 nhóm nhiệm vụ và 6 nhóm giải pháp.
Sở TT&TT Hà Nội được UBND thành phố giao làm đầu mối tổ chức, điều phối các hoạt động ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước; đồng thời chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức đánh giá xếp hạng chuyển đổi số các cơ quan nhà nước trên địa bàn.
Với MobiFone, dự đoán sẽ có sự tăng mạnh về dịch vụ tin nhắn, thoại và đặc biệt là data, nhà mạng đã tích cực chuẩn bị mọi mặt về kế hoạch kinh doanh, kỹ thuật, mạng lưới, chăm sóc khách hàng… nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu thông tin liên lạc của người dân và khách du lịch nội địa, quốc tế.
Trả lời câu hỏi của VietNamNet, đại diện MobiFone cho hay, đơn vị đã tăng cường năng lực mạng lưới bằng cách bổ sung các trạm phát sóng mới, tăng cường số lượng các trạm phát sóng lưu động; nâng cấp, tối ưu cấu hình trạm phát sóng tại những nơi tập trung đông người, các khu vực dự kiến phát sinh lưu lượng cao.
Về chất lượng đường truyền, MobiFone đảm bảo phục vụ lưu thoát lưu lượng trong dịp nghỉ lễ, nâng cao chất lượng dịch vụ data, đáp ứng nhu cầu truy cập Internet, livestream, chia sẻ dữ liệu, hình ảnh, video… của người dùng.
Theo nhà mạng MobiFone, đơn vị đã bố trí đầy đủ nhân viên trực xử lý và hỗ trợ khách hàng các vấn đề liên quan tới công tác chăm sóc khách hàng trong dịp nghỉ lễ.
Bên cạnh tổng đài chăm sóc khách hàng, MobiFone cũng đã bố trí nhân lực trực kỹ thuật 24/24, duy trì chế độ báo cáo thường xuyên, đột xuất về tình hình mạng lưới.
Trong thông báo mới đây, Viettel cũng nêu rõ, để đảm bảo hạ tầng mạng lưới thông suốt, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks) đã triển khai hơn 1.100 nhóm tác vụ trên toàn mạng, tăng cường gần 80 trạm phát sóng mới và hơn 20 xe phát sóng cơ động.
Viettel xác định sẽ có khoảng 200 điểm tập trung đông người trên cả nước, lưu lượng dữ liệu (data) sẽ tăng đột biến tới 300% so với ngày thường.
Do vậy, nhà mạng đã áp dụng các công cụ tự động hoá để giám sát mạng lưới theo thời gian thực, tự động cảnh báo và thực hiện cân bằng tải tại các khu vực bị cao tải.
Toàn bộ hơn 800 cửa hàng viễn thông Viettel và hệ thống 420 siêu thị Viettel Store trên 63 tỉnh, thành phố vẫn hoạt động bình thường trong những ngày nghỉ lễ.
Không chỉ vậy, các bưu cục ViettelPost cũng sẽ mở cửa phục vụ khách hàng từ 8h – 17h hằng ngày để thực hiện công tác nhận và giao bưu phẩm.
Viettel Post cũng căn cứ trên sản lượng dự kiến để sắp xếp nguồn lực và phương tiện, đảm bảo hoạt động logistics không bị đình trệ, hàng hóa lưu thông ổn định và nhanh chóng theo đúng quy trình khai thác bưu phẩm.